Chè Vằng

Thứ ba, 17/05/2016, 09:45 GMT+7

Chè Vằng còn gọi là chè cước man, dây cẩm văn, cây dâm trắng, cây lá ngón, dây vắng, mổ sẻ. Tên khoa học Jasminum subtriplinerve Blume. Thuộc họ nhài Oleaceae.

Chè Vằng là một cây nhỏ, mọc thành bụi ở bờ rào hay bụi tre hoặc bám vào các cây lớn. Thân cây cứng chia thành từng đốt, đường kính 5-6 mm, chia thành nhiều cành, có thể vươn cao 1-1,5 m và vươn dài tới 15-20 m, thân và cành đều nhẵn. Lá mọc đối, hình mũi mác, phía cuống tù hay hơi tròn, đầu lá nhọn, những lá phía trên nhỏ hơn lá phía dưới. Hoa mọc thành xim nhiều hoa (chừng 7-9 hoa), cánh hoa màu trắng.

Che_Vang

Tác dụng của Chè Vằng:

  • Giải nhiệt, giải độc: Chè Vằng được xem là cây thuốc nam có nhiều lợi ích sức khỏe cho con người. Theo Đông y, Chè Vằng có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi mát, hoạt huyết, tiêu viêm
  • Chống nhiễm khuẩn hậu sản: Hầu hết các chị em ở miền Trung đều chuẩn bị sẵn Chè Vằng trước khi sinh bởi loại trà này có tác dụng trị nhiễm khuẩn sau đẻ bởi nó có thể giúp hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm cho phụ nữ sau khi sinh, viêm hạch bạch huyết, viêm tử cung, viêm tuyến sữa, bế kinh, khí hư… Có được những lợi ích này là nhờ cây Chè Vằng có chứa các chất terpenoit, glycosid, flavonoid và ancaloid. Các nghiên cứu đã chứng minh flavonoid và ancaloid trong Chè Vằng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, làm vết thương mau lành, thông huyết, điều kinh, cải thiện sự lưu thông máu.
  • Lợi sữa: Ở một số vùng như Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… phụ nữ sau khi sinh thường sắc Chè Vằng uống để kích thích ăn ngon miệng, tăng tiết sữa. Chỉ cần nấu nước Chè Vằng uống hàng ngày, kết hợp với chế độ ăn uống có nhiều thực phẩm lợi sữa như chân giò hầm đu đủ xanh, xôi ngô… sẽ thấy tác dụng lợi sữa rất rõ rệt.
  • Chống viêm: Mạnh hơn cả kháng sinh. Bệnh viện Thái Bình cũng đã từng thực hiện kháng sinh đồ so sánh tác dụng của Chè Vằng với penicillin và streptomycin, clorocid (ba loại thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến). Kết quả cho thấy Chè Vằng có tác dụng kháng khuẩn mạnh hơn các thuốc trên đối với tụ cầu khuẩn (Staphyllococcus) và liên cầu khuẩn tan huyết (Streptococcus hemolytique). Bệnh viện này đã sử dụng Chè Vằng chữa khỏi bệnh áp xe vú. Cách dùng là lấy lá Chè Vằng giã nát đắp vào chỗ áp xe vú hoặc giã lá trà với cồn 50 độ rồi đắp vào nơi áp xe 3 lần trong ngày, 2 lần trong đêm. Thời gian điều trị kéo dài từ 1 ngày đến 1 tuần tùy theo thể trạng bệnh và người bệnh bắt đầu chữa bằng lá Chè Vằng sớm hay muộn.
  • Trị mụn nhọt, chốc lở: Theo kinh nghiệm dân gian, lá Chè Vằng thường được đun lấy nước tắm rửa chữa ghẻ, ngứa hay lở chốc. Nhiều người dùng lá Chè Vằng sắc uống hoặc nấu như trà xanh để chữa mụn nhọt, chữa rắn rết hay côn trùng cắn. Ngoài lá và cành, rễ cây Chè Vằng mài với dấm thanh còn có tác dụng làm ung nhọt đang mưng mủ sạch mủ.
  • Ngoài ra, Chè Vằng còn được dùng trong trường hợp dạ dày, gan kém hoạt động, táo bón, ăn uống không tiêu. Bởi glucocid (chất tạo ra vị đắng trong Chè Vằng) có tác tăng chuyển động trong dạ dày và ruột chuyển động, giúp kích thích tiêu hóa. Đặc biệt, Chè Vằng giá rẻ, dễ mua, dễ sử dụng nên bất kỳ ai cũng có thể tận hưởng những lợi ích tuyệt vời từ nó.