Bán Hạ

Thứ hai, 06/06/2016, 09:20 GMT+7

BAN_HA

Tên khác: Bán Hạ Nam, Chóc Chuột, Củ Chóc.

Tên khoa học: Typhonium trilobatum (L.) Schott.), họ Ráy (Araceae).

Mô tả: Cây cỏ, sống một năm, cao 20 – 30cm. Thân củ tròn, nạc. Lá chia 3 thùy, cuống dài, có bẹ. Cụm hoa là một bông mo, màu xanh pha đỏ tím. Hoa nhỏ, hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới, có mùi hôi. Quả mọng, khi chín màu đỏ.

Bộ phận dùng: Dược liệu là thân rễ đã chế biến khô của cây Củ Chóc (Typhonium trilobatum (L.) Schott.), họ Ráy (Araceae).

Thành phần hóa học: Tinh bột, saponin, alcaloid.

Công dụng: Hoá đàm táo thấp, giáng nghịch chỉ nôn, giáng khí chỉ ho. Thuốc chống nôn, trừ đờm, chữa ho nhiều đờm, tiêu hoá kém, ngực bụng đầy chướng.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 6-16g, dạng thuốc sắc hay bột. Trước khi dùng phải chế biến cho gần hết ngứa. Có nhiều quy trình chế biến khác nhau, phụ liệu thường là nước vo gạo, nước vôi trong, Gừng, Cam Thảo… Dùng cho phụ nữ có thai phải phối hợp với Hoàng Cầm, Bạch Truật.

Bào chế:

    -  Bán Hạ Phiến 1000 g

    -  Phèn Chua (bột) 100 g

    -  Gừng tươi 100g

    -  Nước vo gạo vừa đủ.

Chế biến: 1 kg gạo, vo lấy 3 lít dịch nước. Ngâm phiến Bán Hạ trong 2 ngày, mỗi ngày thay nước một lần. Gạn bỏ dịch ngâm, rửa nhẹ bằng nước sạch đến khi hết nước đục trắng.

    -  Hoà tan phèn chua trong 3 lit nước sạch. Ngâm Bán Hạ tiếp trong 2 ngày đêm đến khi không còn ‘’nhân trắng đục’’. Vớt ra, rửa sạch, phơi khô.

    -  Gừng tươi, giã nát, thêm 100 ml nước sạch, nghiền kỹ, ép lấy dịch. Làm 2 lần như vậy. Trộn đều dịch gừng. Tẩm vào bán hạ ở trên. ủ 2 – 3 giờ. Thỉnh thoảng đảo cho dịch nước Gừng thấm đều.

    -  Sao đến khi phiến Bán Hạ chuyển sang màu vàng đậm.

Tiêu chuẩn Bán Hạ chế: Phiến tròn hoặc mảnh vụn, kích thước không nhỏ hơn 0,2 cm. Thể chất khô giòn, màu vàng đậm đến nâu, cạnh phiến cháy. Mùi thơm đặc trưng của gừng. Vị cay nhẹ, không ngứa.

Kiêng kỵ: Phản Ô Đầu. Không phối hợp với Phụ Tử. Không nên dùng cho nguời âm hư, ho khan, khạc máu. Thận trọng khi dùng cho người mang thai.

Tag :