Ba Chạc

Thứ tư, 01/06/2016, 11:30 GMT+7

BA_CHAC

Tên khoa học: Euodia lepta (Spreng.) Merr., họ Cam (Rutaceae)

Tên khác: Chè Đắng, Chè Cỏ, Dầu Dầu, Bí Bái Đực (Nam Bộ), Bẩu Khâm (Tày), Co Sám Véng (Thái)

Mô Tả: Đây là cây bụi nhỏ, cao 1 – 3m, có khi hơn. Lá kép, mọc đối, có 3 lá chét nguyên xòe ra hình chân vịt giống như một chạc ba, vì thế mà có tên Ba chạc. Lá chét hình trái xoan, dài 5 – 13cm, rộng 3 – 5,5cm, đầu lá nhọn, lá non có lông mịn. Cụm hoa là một xim ở nách lá và ngắn hơn lá, mang nhiều hoa nhỏ màu trắng mẫu 4-5. Quả nang, khi chín có màu đỏ. Hạt hình cầu, đường kính 2mm, màu đen bóng.

Thành phần hóa học của cây: Lá và rễ Ba Chạc có chứa alcaloid, các bộ phận của cây chứa tinh dầu, trong thành phần tinh dầu có chứa α- pinen, furfuraldehyt

Tác dụng: Ba Chạc có vị đắng, mùi thơm, tính lạnh; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, chống ngứa, giảm đau và lợi sữa. Cây Ba Chạc có các tác dụng kháng khuẩn. Các công trình nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy nước sắc 1/1 lá Ba Chạc làm ức chế trực khuân lỵ Shigella. Ba Chạc con kích thích sự tiết sữa

Cách Dùng:

    – Thuốc bổ đắng (giúp ăn ngon, dễ tiêu) và lợi sữa: Ngày 8 – 16g lá Ba Chạc, sắc uống.

    – Dự phòng cúm, bệnh truyền nhiễm, viêm não: Ba Chạc 15g, Rau Má 30g, Đơn Buốt 15g, Cúc Chỉ Thiên 15g. Sắc uống.

    – Chữa mẩn ngứa, ghẻ: Hái một nắm lá to cả cành non cây ba Chạc, khoảng 50 – 100g, để tươi, rửa sạch, đun sôi với 4 – 5 lít nước trong 30 phút đến 1 giờ. Đợi khi nước ấm, dùng để tắm, lấy bã xát mạnh vào các nốt ngứa ghẻ. Ngày tắm nước này một lần. Tắm đến khi khỏi.

    – Chữa tê thấp, xương đau nhức: Lá Ba Chạc tươi, lá tầm gửi cây sau sau, mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát băng đắp vào chỗ đau nhức. Ngày làm 1 lần, trong 7 – 10 ngày. Để tăng hiệu quả, có thể kết hợp thuốc uống trong: Thiên Niên Kiện 12g, rễ Bưởi Bung 10g, quả Dành Dành 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô ngâm với 1 lít rượu 30 – 40 độ, để càng lâu càng tốt. Ngày uống 2 lần, mỗi lần một chén nhỏ.